Nếu bạn là một người thường xuyên ra ngoài và di chuyển bằng xe máy thì việc sử dụng mũ bảo hiểm là một điều tất nhiên. Nhưng liệu bạn đã vệ sinh mũ thường xuyên? Và việc vệ sinh mũ bảo hiểm liệu có thực sự cần thiết?
Mũ bảo hiểm, vào mùa nắng có thể bạn sẽ bỏ qua việc vệ sinh mũ nhưng nếu bạn đi mưa và vô tình mũ bị ướt thì bạn sẽ xử lý như thế nào? Bạn sẽ chỉ để mũ khô và tiếp tục sử dụng? Câu trả lời là nên vệ sinh mũ định kỳ để tránh tình trạng mũ xuất hiện các vết ẩm mốc và mùi hôi khó chịu nhé.
1. Tại sao lại cần vệ sinh mũ bảo hiểm?
Mũ bảo hiểm là người bạn đồng hành, không chỉ giúp bảo vệ sự an toàn của chúng ta mà còn mang lại tính thẩm mỹ cao. Việc thường xuyên đội mũ khi tham gia giao thông, nhất là trong những chuyến đi phượt xa nhiều ngày vào mùa hè rất dễ khiến bụi và mồ hôi bám vào mũ. Hoặc khi bạn đi mưa hoặc để quên mũ ngoài trời mưa thì lại khiến mũ dễ bị ẩm, mốc và gây ra mùi khó chịu.
Nếu khi đó mũ bảo hiểm không được vệ sinh sẽ khiến người sử dụng mắc các bệnh liên quan đến da đầu như nấm, mốc.
Do vậy, việc vệ sinh mũ bảo hiểm định kỳ không chỉ giúp mũ luôn sạch sẽ như mới mà còn giúp bảo vệ bạn khỏi những mầm bệnh tiềm ẩn.
2. Hướng dẫn vệ sinh và bảo quản mũ bảo hiểm đúng cách
2.1. Chuẩn bị
- Một lọ xịt nước hoặc vòi xịt.
- Dầu gội đầu có thể dùng loại hằng ngày bạn vẫn sử dụng. Bởi dầu gội đầu sẽ không gây kích ứng cho da.
- Khăn sạch, khăn giấy, một chiếc bàn chải đánh răng loại nhỏ, mềm mại.
2.2. Cách làm
*Đối với mũ full face:
Bạn nhớ tháo rời kính rồi vệ sinh riêng trước khi vệ sinh đến phần chính nhé.
- Bước 1: Đầu tiên, bạn thấm ướt khăn giấy với nước ấm và dầu gội. Sau đó đắp khăn giấy lên mặt ngoài của phần kính che mặt để làm ẩm và hòa tan các chất bẩn đang dính chặt vào tấm kính che bên ngoài.
- Bước 2: Sau khi đắp khăn lên bề mặt kính che một lúc, bạn lấy khăn ra và lau sạch bên ngoài bằng khăn giấy sạch mới. Bạn tiếp tục lấy một chiếc khăn sạch khác thấm nước và dầu gội đầu, nhẹ nhàng lau bên trong phần kính che mặt. Hãy cẩn thận không chà xát bên trong mặt kính vì có thể làm xước đi các lớp phủ, ví dụ như lớp phủ chống tia UV, lớp phủ chống sương mù…
- Bước 3: Dùng khăn giấy sạch vỗ nhẹ bên trong sau khi đã lau sạch bụi và để khô tự nhiên. Sau khi đã khô ráo, bạn chỉ cần dùng nhựa đánh bóng làm sạch bên ngoài lớp kính che mặt là xong.
*Đối với mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời:
Khi tiến hành vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót bên trong có thể tháo rời, bạn hãy tháo các phần lót bên trong ra và giặt riêng với phần vỏ của mũ bảo hiểm.
- Bước 1: Lấy các lớp lót và miếng đệm ra, giặt chúng trong máy giặt chung với quần áo thông thường theo chế độ giặt cho loại quần áo mỏng. Trong lúc đó, ngâm lớp vỏ bên ngoài vào một chậu nước ấm.
- Bước 2: Thêm một số chất tẩy rửa tốt để hòa tan dầu mỡ và bụi bẩn tích tụ bên ngoài vỏ. Dùng bàn chải mềm chà sạch vỏ mũ bảo hiểm cả bên trong và bên ngoài, cho đến khi vỏ sạch hoàn toàn.
- Bước 3: Sau khi đã rửa sạch, bạn dùng khăn giấy lau khô lớp vỏ và dùng một ít chất đánh bóng nhựa lau sạch tiếp vỏ bên ngoài cho đến khi sáng bóng. Cuối cùng, lắp lại các bộ phận bên trong và lớp đệm mới giặt, gắn lại tấm kính che mặt là hoàn thành công đoạn vệ sinh mũ bảo hiểm có lớp lót có thể tháo rời.
*Đối với mũ bảo hiểm có lớp lót không thể tháo rời:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy đổ đầy nước ấm vào thau nước và cho hoàn toàn mũ bảo hiểm vào, sau khi làm ẩm hãy thêm một ít dầu gội.
- Bước 2: Dùng bàn chải mềm chà rửa bên trong các bộ phận của mũ bảo hiểm, phụ kiện… Khi đã đảm bảo các vết bẩn được loại bỏ hoàn toàn bên trong mũ, bạn xả sạch lại bằng cách ngâm mũ bảo hiểm vào thau nước sạch.
- Bước 3: Tiếp tục đổ đầy nước vào thau khác và thêm một số chất tẩy rửa nhẹ nhàng để loại bỏ các mảnh vụn của bụi, vết dầu máy, nước mưa tích tụ trên phần vỏ bên ngoài. Dùng khăn mềm lau sạch vỏ và tiếp tục cho đến khi bạn hài lòng. Một lần nữa, xả mũ bảo hiểm trong một chậu nước ấm để làm sạch.
- Bước 4: Dùng khăn giấy khô lau bên ngoài mũ bảo hiểm và dùng nhựa đánh bóng lau bề mặt bên ngoài giúp mũ bảo hiểm trông sáng bóng như mới. Cuối cùng, bạn chỉ cần gắn lại tấm kính che mặt, đợi lớp lót khô hoàn toàn là có thể sử dụng.
*Lưu ý: Khi phơi mũ bảo hiểm bạn không nên để ánh mặt trời chiếu trực tiếp mà chỉ nên phơi ở nơi nắng nhẹ, có gió, khô tháng và thỉnh thoảng nên lật ngược lại để làm khô phần vải nón bên trong. Vì nếu để nắng trực tiếp lên phần vỏ quá lâu sẽ làm giảm độ bền của nón. Trước khi lật ngược nón bảo hiểm, bạn nên lót một cái khăn mềm bên dưới để tránh làm trầy xước phần vỏ khi ma sát với bề mặt khi phơi.
Hotline : 0931.779.679 – 093.97.66266
Website : shopshsaigon.com
Email : inbox@shopshsaigon.com
Fanpage : fb.com/shopshsaigon